Giáo sư (GS) Hoàng Tụy là một trong những nhà khoa học hàng đầu Việt Nam. Ông là một trong 2 người tiên phong trong việc xây dựng ngành toán học Việt Nam và được coi là cha đẻ của lĩnh vực Tối ưu hóa toàn cục (Global Optimization).
Không chỉ là một nhà toán học tiêu biểu của Việt Nam, ông còn có nhiều đóng góp cho công cuộc chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Một nhà khoa học chân chính
Nhờ có thời gian dài học tập, rèn luyện, cũng như sau này hợp tác nghiên cứu ở những quốc gia có nền khoa học phát triển đỉnh cao, GS Hoàng Tụy thấu hiểu những giá trị thiêng liêng về đạo đức và liêm chính trong học thuật khoa học chính là những giá trị căn cốt khiến cho khoa học và giáo dục là nền tảng của sự phát triển.
Suốt mấy chục năm, GS Hoàng Tụy thường có những ý kiến phản biện để chỉ ra những bất cập, lệch lạc, gây cản trở cho sự phát triển của khoa học giáo dục. Những ý kiến của ông thẳng thắn nhưng vẫn giữ được sự tỉnh táo, trí tuệ, khách quan, sự giản dị, đúng mực của một nhà khoa học luôn trung thành với lý tính, không cho phép cảm tính thao túng.
GS Hà Huy Khoái - người từng có nhiều năm gắn bó với GS Hoàng Tụy - tâm sự sẽ không thể thấy hết lòng thiết tha với sự nghiệp giáo dục nếu chỉ đọc các bài viết của ông mà phải trực tiếp nghe ông nói. Người ta có thể đồng ý hay không đồng ý với những quan điểm nào đó của ông nhưng không ai không cảm động trước sự nhiệt tình của GS bởi ông như đang giãi bày tâm sự sâu nặng của chính mình. Và dường như trong từng lời nói ấy có cả sự day dứt của một con người khi chưa hoàn thành được ước nguyện nào đó của cuộc đời mình.
Trong cuốn sách "Xin được nói thẳng" (NXB Thế giới và Công ty Sách Omega+ ấn hành) dày 425 trang này, chưa kể phụ lục ảnh, hội đồng xuất bản đã chia 49 bài viết từng đăng trên Tạp chí Tia Sáng (nay là ấn phẩm "Tia Sáng" của Báo Khoa học và Phát triển) của GS Hoàng Tụy thành 3 chủ đề chính: Đổi mới cơ chế quản lý trọng dụng nhân tài, chấn hưng giáo dục - mệnh lệnh cuộc sống, quản lý khoa học: hướng tới các chuẩn mực quốc tế.
Ông Phạm Trần Lê, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Khoa học và Phát triển, cho rằng cuốn sách sẽ hữu ích cho những người quan tâm đến quá trình phát triển của nền khoa học - giáo dục Việt Nam vài thập kỷ gần đây. Đặc biệt, cuốn sách cũng đáng tham khảo với các nhà hoạch định chính sách muốn tìm kiếm những giải pháp cho một số vấn đề cốt lõi đang tồn tại.
Trăn trở việc trọng dụng nhân tài
GS Hoàng Tụy rất trăn trở với việc trọng dụng nhân tài. Ông dành nhiều thời gian để viết về cơ chế quản lý - trọng dụng nhân tài, về tình trạng gian, rởm, mua bằng cấp ở một bộ phận cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh. Ông cũng nhấn mạnh đến bản lĩnh người lãnh đạo trong việc sử dụng người tài. GS Hoàng Tụy kể lại câu chuyện khi Tổng Bí thư Lê Duẩn hỏi làm thế nào để chống tiêu cực, GS Hoàng Tụy thẳng thắn trả lời: "Với cách quản lý như ta, không thể chống tiêu cực được. Bởi công chức, cán bộ lương quá thấp, không sống nổi thì họ phải xoay xở mọi cách để sống và tất nhiên không tránh khỏi tiêu cực. Bắt đầu là tầng lớp công chức thấp nhất, leo dần đến cấp cao hơn và cứ thế, tiêu cực sẽ đi từ cấp thấp nhất đến cấp cao dần". Điều bất ngờ là trước những ý kiến gai góc mà trước đó lãnh đạo chưa từng nghe bao giờ, Tổng Bí thư Lê Duẩn không tỏ ý bực dọc mà vẫn bình tĩnh trao đổi trong không khí cởi mở. Theo GS Hoàng Tụy, ngay cả khi khó khăn nhất, nếu lãnh đạo chịu khó lắng nghe những tiếng nói tâm huyết ngược với lời ca tụng thông thường thì không những lấy được niềm tin mà còn tìm ra được lối thoát.
Cắt bỏ những "khối u" dị dạng
Để hiện đại hóa giáo dục, theo GS Hoàng Tụy, cấp thiết phải cắt bỏ 3 "khối u" dị dạng của nó. Một là, thi cử. Tuy có vẻ chặt chẽ lại nặng nề, tưởng như bằng cấp có giá trị lắm nhưng không phải. Học giả, thi giả, cử nhân và tiến sĩ rởm đầy rẫy. Hai là, khắp nơi lao vào dạy thêm, học thêm với cường độ và quy mô hiếm thấy. Tưởng như chất lượng đào tạo phải cao lắm nhưng không phải, thấp kém đáng kinh ngạc. Ba là, sách giáo khoa thường xuyên được chỉnh lý hay biên soạn mới, huy động những nguồn tài chính khổng lồ, tưởng chừng phải thúc đẩy giáo dục hết cỡ nhưng không phải.
Hậu quả của những "khối u" nói trên là chi phí giáo dục phình to, hiệu quả đầu tư cho giáo dục ở Việt Nam rất thấp. Theo GS Hoàng Tụy, không kể sự lãng phí công quỹ, sự lãng phí đáng sợ hơn nhiều chính là lãng phí công sức của hàng chục ngàn giáo viên vì phải dạy thêm dưới hình thức tăng tiết hoặc dạy thêm ngoài giờ; hoặc luyện thi, không còn thì giờ để nghiên cứu, học thêm để cải tiến công việc.
Nói về việc biên soạn sách giáo khoa, GS Hoàng Tụy cho rằng cần chỉnh đốn cách làm cho thích hợp, học nghiêm túc kinh nghiệm của các nước cả về tổ chức, phương pháp và kỹ thuật, khắc phục sự xơ cứng tư duy. Tiến đến sách giáo khoa ổn định, được in đẹp, hấp dẫn, hợp với từng lứa tuổi học sinh; hình thức cũng như nội dung đều sánh được các nước phát triển nhất khu vực. Để hạ thấp chi phí sử dụng, sách giáo khoa phải được các trường mua và cho học sinh thuê là chủ yếu thay vì mỗi năm đều phải mua mới rất tốn kém.