Quan chức của hàng loạt trường ĐH tại Mỹ thừa nhận tin tặc đã thành công trong việc phá hoại hệ thống bảo mật của các trường. Tuy nhiên, họ từ chối tiết lộ thiệt hại cụ thể ngoài những hành vi liên quan tới trộm cắp dữ liệu cá nhân như số an sinh xã hội.
Trưởng Khoa Nghiên cứu chính sách Bill Mellon của Trường ĐH Wisconsin cho hay: “Chúng tôi nhận được từ 90.000 - 100.000 lượt xâm nhập hệ thống mỗi ngày từ Trung Quốc. Ngoài ra, rất nhiều đợt tấn công khác đến từ Nga, gần đây còn xuất phát từ Việt Nam nhưng chủ yếu vẫn là tin tặcTrung Quốc”.
Ông Rodney J. Petersen, người đứng đầu chương trình an ninh mạng tại Educause, khẳng định các cuộc tấn công đang tăng theo cấp số nhân và ngày càng phức tạp. Vì vậy, cơ quan này đã tăng cường đầu tư các nguồn lực để ngăn chặn.
Giám đốc an ninh thông tin tại Đại học Purdue - David J. Shaw cho biết: “Môi trường đại học là một môi trường cởi mở và tự do thông tin. Các nhà nghiên cứu thường cộng tác với những người khác, bên trong và bên ngoài trường đại học và chia sẻ những khám phá của họ. Vì vậy rất nguy hiểm khi bị tấn công”.
Nhằm đối phó với các đợt tấn công mạng, ông James A. Lewis - một thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhóm chính sách ở Washington - tiết lộ một số trường ĐH đã bắt buộc các giáo sư không được đưa máy tính xách tay, điện thoại di động tới một số quốc gia. Các trường còn khuyến cáo các giáo sư tuân thủ quy định Liên bang là nghiêm cấm sử dụng dữ liệu nhạy cảm ở nước ngoài.
"Có một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, chỉ cần vài phút kết nối mạng, tất cả mọi thứ đều bị sao chép hoặc cấy virus vào máy tính. Khi bạn mang máy tính trở về nhà và kết nối với mạng gia đình, các tin tặc đã xâm nhập vào đó” – ông Lewis cảnh báo.